Thời gian đào tạo: 4 năm/ chuyên ngành.
Khối lượng kiến thức toàn khóa: 129 tín chỉ (gồm 5 tín chỉ Giáo dục thể chất và 8 tín chỉ Giáo dục quốc phòng – an ninh).
Đối tượng tuyển sinh:
Thí sinh đã tốt nghiệp THPT ( theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên) hoặc đã tốt nghiệp trung cấp gọi chung là tốt nghiệp trung học. Người tốt nghiệp trung cấp nhưng chưa có bằng tốt nghiệp THPT phải học và được công nhận hoàn thành các môn văn hóa trong chương trình giáo dục THPT theo quy định của Bộ GD – ĐT.
Thí sinh có kết quả điểm thi THPT Quốc gia theo các tổ hợp môn đăng ký xét tuyển đạt ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào do Trường công bố.
Mục tiêu đào tạo
Chuyên ngành Tài chính: sinh viên sẽ nắm vững kiến thức nền tảng, hiện đại về tài chính ngân hàng nói chung và tài chính nói riêng; có năng lực xây dựng và thực hiện các kế hoạch/dự án tài chính.
Chuyên ngành Ngân hàng: sinh viên sẽ nắm vững kiến thức cơ bản về khoa học xã hội và tự nhiên, kiến thức nền tảng, hiện đại về tài chính ngân hàng nói chung, kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành ngân hàng nói riêng; Có năng lực xây dựng, phát triển, tổ chức và thực hiện hoạt động ngân hàng một cách có hiệu quả trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Chuẩn đầu ra cho sinh viên
Chuyên ngành Tài chính:
Về kiến thức, sinh viên được trang bị các kiến thức nền tảng về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội; kinh tế, quản trị, kinh doanh, kế toán, luật, ngân hàng. Đặc biệt sinh viên được đào tạo kiến thức chuyên sâu về tài chính bao gồm các lý thuyết về tài chính- ngân hàng, thị trường tài chính và các định chế tài chính, tài chính doanh nghiệp, tài chính quốc tế, đầu tư tài chính, quản trị danh mục đầu tư, quản trị rủi ro tài chính, bảo hiểm v.v.. Ngoài ra, sinh viên được trang bị nhiều kiến thức hỗ trợ về Anh ngữ, tin học, phương pháp nghiên cứu.
Sinh viên có đủ kiến thức và năng lực để tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu hoặc đào tạo sau đại học về kinh tế, tài chính.
Sau quá trình đào tạo, sinh viên có đủ năng lực để xây dựng và thực hiện các kế hoạch/ dự án tài chính cho cá nhân, công ty, ngân hàng, chính phủ v.v.. hoạt động tại Việt Nam và trên thế giới.
Về kỹ năng: sinh viên được đào tạo các kỹ năng nhằm phát triển phẩm chất cá nhân trong nghề nghiệp; bao gồm, khả năng tư duy, nghiên cứu & khám phá kiến thức, tư duy theo hệ thống; kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp. Sinh viên cũng có khả năng tự nghiên cứu, tự đào tạo để phát triển bản thân và cộng đồng.
Chuyên ngành Ngân hàng:
Kiến thức: sinh viên có kiến thức về tài chính tiền tệ, giúp người học có khả năng bao quát về hệ thống, thị trường tài chính và các định chế tài chính trong nền kinh tế;
Kiến thức chuyên sâu về các mảng hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại trong nền kinh tế hiện đại giúp người học hình thành kỹ năng giải quyết các vấn đề cụ thể về Tín dụng, Thanh toán quốc tế, Kinh doanh ngọai hối, Định giá tài sản …phát sinh trong hoạt động của ngân hàng thương mại;
Kiến thức tổng quát về tài chính ngân hàng, kiến thức chuyên sâu về ngân hàng giúp người học có khả năng phân tích, đánh giá, từ đó hình thành năng lực xây dựng và phát triển chính sách, cơ chế mới trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.
Kỹ năng:
Về kỹ năng cứng, sinh viên sẽ có kỹ năng nhận diện, phân tích, kỹ năng tư duy phản biện trước các tình huống/ vấn đề phát sinh trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, kỹ năng xử lý các tình huống tác nghiệp trong hoạt động kinh doanh ngân hàng và kỹ năng nhận diện, đề xuất vấn đề nghiên cứu, thực hiện hiệu quả nội dung các công đoạn trong nghiên cứu khoa học.
Về kỹ năng mềm, sinh viên sẽ có kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp hiệu quả thông qua văn bản, thư điện tử, kỹ năng thuyết trình, thuyết phục khách hàng, kỹ năng quản lý thời gian của bản thân, có thể học và tự học để nâng cao trình độ trong và sau khi ra trường, kỹ năng sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp thông thường (mức độ 530 TOEIC và tương đương) và chuyên sâu trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và kỹ năng tin học văn phòng thích hợp với yêu cầu công việc (tương đương chuẩn B tin học văn phòng).
Cơ hội nghề nghiệp
Chuyên ngành Tài chính:
– Làm ở các tổ chức tài chính, Ngân hàng, Quỹ đầu tư, Công ty bảo hiểm: Kinh doanh tiền tệ, kinh doanh chứng khoán và đầu tư, quản trị tài chính, phân tích tài chính công ty…
– Các công ty kinh doanh trong nước và đa Quốc gia, doanh nghiệp nhà nước, công ty 100% vốn nước ngoài, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty tư nhân, công ty nước ngoài…
– Chuyên viên tài chính hoặc chuyên gia kinh tế trong thị trường tài chính, Broker trên thị trường chứng khoán, quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư phát triển, quỹ đầu tư chuyên nghiệp, môi giới tư vấn bảo hiểm, công ty kiểm toán trong nước và quốc tế, giảng dạy các trường đại học, cao đẳng…
Chuyên ngành Ngân hàng:
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên chuyên ngành ngân hàng có thể lựa chọn một trong các nhóm công việc sau:
– Nhóm công việc có định hướng kinh doanh như công việc của các bộ phận chuyên môn trong ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính tín dụng trong và ngoài nước, cụ thể đảm nhiệm các vị trí chuyên viên kinh doanh tín dụng, nguồn vốn, đầu tư, thanh toán quốc tế, kinh doanh ngoại hối, phân tích tài chính…
– Nhóm công việc có định hướng quản lý tại các cơ quan quản lý nhà nước như ngân hàng trung ương, cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ với các vị trí thanh tra, giám sát, phân tích, hoạch định chính sách quản lý vĩ mô trong lĩnh vực ngân hàng.
– Nhóm công việc có định hướng nghiên cứu tại các trường đại học, viện nghiên cứu với các vị trí giảng viên, chuyên viên nghiên cứu.
Reviews
There are no reviews yet.