1. Ngành Quản trị dịch vụ Du lịch và lữ hành là gì?
Là ngành học bao gồm các kiến thức về quá trình quản lý và điều hành du lịch, chịu trách nhiệm phân công công việc cho các hướng dẫn viên du lịch, nhận thông tin để phối hợp với các bộ phận, cơ quan chức năng giải quyết phát sinh, thiết kế chương trình du lịch…
2. Mục tiêu đào tạo
2.1. Mục tiêu chung
Đào tạo cử nhân Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành có năng lực quản lý và điều hành các hoạt động du lịch, lữ hành; có khả năng xây dựng chương trình du lịch; tổ chức bán sản phẩm du lịch; điều hành và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình du lịch; có phẩm chất chính trị, có đạo đức, tư cách tốt, yêu nghề; có sức khỏe tốt, có khả năng sáng tạo thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế đảm bảo nâng cao chất lượng dịch vụ; có khả năng tự làm việc, tự tạo việc làm hoặc học liên thông lên các bậc học cao hơn để phát triển kiến thức và kỹ năng chuyên môn.
2.2. Mục tiêu cụ thể
2.2.1. Kiến thức
- Trình bày được những kiến thức về lịch sử, văn hóa, địa lý, tuyến điểm du lịch trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch và lữ hành.
- Trình bày được những kiến thức chung về quản trị kinh doanh lữ hành, quản trị kinh doanh nhà hàng, quản trị kinh doanh khách sạn.
- Mô tả được quy trình xây dựng chương trình du lịch.
- Xác định được quy trình và các phương thức tổ chức bán sản phẩm phù hợp với thị trường mục tiêu.
- Trình bày được các bước của quá trình điều hành chương trình du lịch.
- Xác định được quy trình và nội dung làm việc tại văn phòng của cơ sở kinh doanh du lịch.
- Thông hiểu những quy định về thủ tục xuất, nhập cảnh, quá cảnh.
- Xác định được cách thiết lập và duy trì mối quan hệ với các đối tác, chăm sóc khách hàng.
- Có năng lực ngoại ngữ bậc 2/6 khung năng lực ngoại ngữ của VN.
2.2.2. Kỹ năng
- Vận dụng kiến thức về lịch sử, văn hóa, địa lý, tuyến điểm du lịch trong xây dựng chương trình du lịch.
- Vận dụng kiến thức về quản trị kinh doanh lữ hành, kinh doanh nhà hàng, kinh doanh khách sạn và các quy định về thủ tục xuất nhập cảnh trong quá trình điều hành thực hiện chương trình du lịch.
- Xây dựng được chương trình du lịch phù hợp với nhu cầu của khách.
- Tổ chức quảng cáo và bán chương trình du lịch một cách hiệu quả.
- Tổ chức quản lý và điều hành thực hiện chương trình du lịch theo quy trình.
- Tuân thủ và thực hiện theo quy trình làm việc tại văn phòng.
- Thiết lập và duy trì mối quan hệ với các đối tác, chăm sóc khách hàng.
- Giao tiếp hiệu quả với đồng nghiệp, đối tác và khách du lịch.
- Ứng dụng công nghệ thông tin và ngoại ngữ phục vụ công việc.
2.2.3. Năng lực tự chủ và trách nhiệm
- Chấp nhận áp lực công việc, thích nghi với môi trường làm việc thường xuyên có sự thay đổi.
- Tôn trọng khách hàng, quan tâm chăm sóc và thuyết phục được khách hàng.
- Hợp tác với đồng nghiệp và đối tác.
- Trung thực, chủ động khắc phục khó khăn trong công việc.
- Linh hoạt trong xử lý tình huống
- Trau dồi kiến thức, học hỏi tích lũy kinh nghiệm
- Làm việc độc lập, làm việc theo nhóm
2.2.4. Kiến thức pháp luật, phẩm chất chính trị
- Có lập trường chính trị tư tưởng vững vàng, ý thức tổ chức kỷ luật tốt, hiểu biết về các giá trị đạo đức, trách nhiệm công dân, văn hóa – xã hội, kinh tế và pháp luật.
- Thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong hoạt động kinh doanh du lịch.
- Tuân thủ và thực hiện theo Luật du lịch.
- Thực hiện nội quy, quy định của doanh nghiệp.
- Có đạo đức tốt, yêu nghề và lương tâm nghề nghiệp; sống lành mạnh, phù hợp với phong tục tập quán, truyền thống văn hoá dân tộc.
- Có ý thức học tập và rèn luyện để nâng cao trình độ đáp ứng tốt yêu cầu công việc.
2.3. Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp
Sau khi tốt nghiệp người học có khả năng đảm nhiệm các vị trí công việc sau:
- Nhân viên đại lý lữ hành,
- Nhân viên thiết kế chương trình du lịch,
- Nhân viên tư vấn và bán sản phẩm du lịch,
- Nhân viên điều hành tour,
- Trợ lý điều hành tour,
- Nhân viên chăm sóc khách hàng,
- Trưởng bộ phận điều hành tour,
- Trưởng bộ kinh doanh
tại các các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch như các phòng vé, đại lý du lịch, công ty du lịch, các cơ quan tổ chức liên quan hoạt động du lịch theo yêu cầu của công việc.
3. Khối lượng kiến thức và thời gian học :
- Số lượng môn học, mô đun: 29
- Khối lượng kiến thức, kỹ năng toàn khóa học: 2.655 giờ
- Khối lượng các môn học chung: 450 giờ
- Khối lượng các môn học, mô đun chuyên môn : 2.205 giờ
- Khối lượng lý thuyết: 993 giờ; Thực hành, thực tập, thí nghiệm: 1662 giờ
- Thời gian khóa học: 2,5 năm.
4.Cơ hội nghề nghiệp của ngành quản trị du lịch và lữ hành
4.1 Nhân viên kinh doanh tour du lịch
Ở vị trí này, công việc của bạn là tìm kiếm, tư vấn và thuyết phục khách hàng lựa chọn dịch vụ của doanh nghiệp mình. Đây cũng chính là bộ phận trực tiếp mang về lợi nhuận cho các doanh nghiệp du lịch.
4.2. Hướng dẫn viên du lịch
Khi trở thành hướng dẫn viên du lịch, công việc của bạn là hướng dẫn và thuyết minh về các địa điểm du lịch trong tour. Đồng thời, bạn sẽ giữ trách nhiệm giao lưu và giải đáp toàn bộ những thắc mắc của du khách trong suốt chuyến đi. Nếu bạn có kỹ năng ngoại ngữ tốt, cơ hội nghề nghiệp sẽ rộng mở hơn trở thành hướng dẫn viên du lịch quốc tế.
4.3. Quản lý sự kiện, dịch vụ khu du lịch
Quản lý sự kiện, dịch vụ khu du lịch sẽ là người chịu trách nhiệm giám sát, điều phối các bộ phận khác nhau trong một tour du lịch sao cho mang lại trải nghiệm tốt nhất cho du khách. Bên cạnh đó, ở vị trí này bạn sẽ là người trực tiếp đánh giá hiệu quả hoạt động của các bộ phận cấp dưới, từ đó điều chỉnh và đưa ra chiến lược tốt nhất cho doanh nghiệp.
4.4. Chuyên viên du lịch làm việc tại sở ban, ngành
Công việc của chuyên viên sở ngành du lịch sẽ bao gồm: giám sát, đánh giá hoạt động kinh doanh dịch vụ của các doanh nghiệp du lịch; điều chỉnh và xử lý các đơn vị có hành vi sai phạm trong quá trình kinh doanh loại hình dịch vụ du lịch của mình,…
5. Mức lương ngành quản trị du lịch và lữ hành
Nhìn chung, mức thu nhập của ngành quản trị du lịch và lữ hành sẽ dao động từ 10 – 45 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, con số này sẽ còn tùy thuộc vào năng lực và kinh nghiệm làm việc của bạn.
Nếu bạn là sinh viên mới ra trường và chưa có nhiều kinh nghiệm trong nghề, mức lương của bạn sẽ dao động từ 10 – 15 triệu. Đây là một mức thu nhập tương đối ổn định và trong tương lai chắc chắn con số này sẽ còn tăng lên theo tuổi nghề của bạn.
Khi bạn đã tích lũy được kinh nghiệm từ 2 năm trở lên trong nghề, mức thu nhập của bạn sẽ tăng lên từ 20 – 35 triệu/ tháng. Có thể thấy, đây là một mức lương khá cao so với các ngành dịch vụ khác. Ngoài ra, trong quá trình làm việc bạn còn nhận được các khoản hoa hồng khác và tiền tip của khách hàng.
Còn đối với cấp quản lý, bạn sẽ nhận được mức lương rơi vào khoảng 40 – 50 triệu/ tháng. Tuy nhiên, để leo lên vị trí này đòi hỏi bạn phải có năng lực chuyên môn cao, cùng với đó là kinh nghiệm dày dặn trong nghề và nhiều yếu tố khác nữa.
Đánh giá
Chưa có đánh giá nào.